Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

Ki bi ngon thap co noi thanh dia Muong Va

(Dân Việt) - Mường Và là mảnh đất nằm gần biên giới nước Lào, thuộc huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Nơi biên viễn xa xôi ấy có ngọn tháp cổ tồn tại đã mấy trăm năm với những điều bí ẩn, lạ lùng không thể nào lý giải...

Đây là lần thứ hai chúng tôi trở lại Sốp Cộp. Lần trước, cách đây gần chục năm, khi đó huyện biên giới khó khăn bậc nhất của tỉnh Sơn La này mới được tách ra từ huyện Sông Mã. Lần ấy, máu khám phá hừng hực, chúng tôi đã định ghé thăm tháp cổ Mường Và. Thế nhưng, những câu chuyện có phần rùng rợn, khó tin của những người dân sống quanh ngọn tháp đã khiến chúng tôi chùn bước.

Kỳ 1: Tìm về miền đất Phật

Ngọn tháp cổ đang được tu sửa.

Tháp cổ giữa đại ngàn

Người bản địa kể rằng, ngọn tháp rất linh thiêng, thế nên từ lâu lắm rồi, chẳng mấy ai dám lai vãng tới, đặc biệt là đàn bà, con gái. Dù quả đồi nơi ngọn tháp tọa lạc chỉ cao có vài chục mét, nhưng bất cứ ai lỡ bước lên đó thì đều có cảm giác chóng mặt, buốt đầu, thậm chí còn đổ cả máu mũi, máu mồm... Người ta cho rằng, dưới ngọn tháp, người xưa chôn giấu nhiều của cải, châu báu và có cả những pho tượng được chế tác cầu kỳ từ đồng đen. Những triệu chứng lạ lùng mà người dân gặp phải trên chính là do thần giữ của mà người xưa yểm lại gây ra.

Dù nhiều đắn đo nhưng những câu chuyện như hoang đường trên đã khiến chúng tôi một lần nữa trở lại Mường Và. Thật may mắn, đúng dịp chúng tôi trở lại, trong khi tôn tạo tháp cổ, người ta đã vô tình đào được một bộ hài cốt cùng nhiều vật dụng lạ thường. Hiện tại, chưa có kết luận nào của các cơ quan khoa học về bộ hài cốt trên nhưng người dân thì cho rằng, đó chính là thân xác của "thần giữ của" mà người xưa chôn sống, yểm lại.

Dân Mường Và đa phần là người dân tộc Lào. Giống như người Thái, người Tày, người Lào ở quây tụ thành bản, trong những ngôi nhà sàn chắc chắn. Tháp cổ nằm trên quả đồi thấp, vây quanh bốn bề là làng bản. Trước khi viếng thăm, khám phá ngọn tháp linh thiêng này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Tòng Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Mường Và. Ông Cường là người ở Sông Mã, mới được điều động nhận công tác ở xã này. Khi vào đây, thấy sự độc đáo cùng những câu chuyện lạ kỳ xung quanh ngọn tháp cổ này, ông cũng đã để tâm tìm hiểu. Tuy nhiên, đó là công việc rất đỗi khó khăn.

Những họa tiết độc đáo trên thân tháp.

Theo ông Cường thì về lai lịch của ngọn tháp, hiện giờ chưa phát hiện văn bản nào ghi lại. Tất thảy đều do người đời trước kể lại cho người đời sau. Theo đó, ngọn tháp này được xây dựng từ khoảng thế kỷ XIII. Thời đó, Mường Và là đất Phật linh thiêng, có rất nhiều sư, sãi và đông đúc dân cư, đời sống phồn thịnh. Trải qua biến động của thời gian và lịch sử, những vị cao tăng, sư sãi đó đã rút hết về bên kia biên giới, bỏ lại nhiều đình chùa, miếu mạo. Sau nhiều năm, những di tích ấy bị phá hủy, chôn vùi và giờ chỉ còn duy nhất ngọn tháp cổ. Sở dĩ ngọn tháp tồn tại được tới ngày nay là do được bảo vệ, bao bọc bằng chính những chuyện kỳ lạ, linh thiêng vẫn hiện hữu quanh tháp từ xưa tới giờ.

Chứng tích tuyệt mỹ

Theo chân ông Cường, chúng tôi vòng qua những mái nhà u tịch để tới ngọn đồi nơi tháp cổ tọa lạc. Toán thợ quê Thanh Hóa đang tiến hành tu bổ tháp, giăng lều bạt dưới chân đồi. Ông Cường bảo, việc lựa chọn thợ tu sửa tháp chẳng dễ dàng gì. Ngoài tiêu chí thực sự có nghề ra thì phải là những người bạo gan, không ngại những chuyện tâm linh, kiêng kỵ. Trước đây, nhiều toán thợ cũng được mời lên nhưng khi biết công việc là đào xới, tu sửa ngọn tháp thiêng có tiếng này thì họ đều viện đủ lý do để từ chối.

Khi lên đỉnh đồi, chúng tôi mới có dịp chiêm ngưỡng kiệt tác của người xưa. Theo ông Cường, chiều cao của tháp là 15,6m. Phần chân móng cao 2,6m, có hình vuông, bó bằng gạch, rộng gần chục mét vuông. Tháp được xây dựng bằng gạch vồ kích thước 35 x 15 x 6cm, vữa liên kết chỉ là vôi và cát. Từ chân tới ngọn tháp được chia thành 5 tầng, có 4 mặt tương tự như nhau. Tầng 2 của tháp có những hoa văn đắp nổi hình quả trám, chữ y, lá đề rất cầu kỳ.

Sở dĩ ngọn tháp tồn tại được tới ngày nay là do được bảo vệ, bao bọc bằng chính những chuyện kỳ lạ, linh thiêng...

Trước đây, theo người dân lưu truyền lại thì trên ngọn tháp có viên ngọc to như chiếc bát. Nắng lên, viên ngọc đó tỏa hào quang lấp lánh, ở cách xa cả mấy chục ngọn đồi trông lại Mường Và cũng đều thấy sự rực rỡ này. Tuy nhiên, cách đây gần trăm năm viên ngọc đó bỗng nhiên biến mất. Mất bảo vật quý giá, người Mường Và ngẩn ngơ, tiếc nuối. Sau cùng, để thay thế, những nhà sư ở đất này khi đó đã lấy chai nước thơm (nước hoa) của nàng Ăm - con gái duy nhất của Phìa tạo (người cai quản đất Mường Và) vừa mới cất tiếng khóc chào đời để lên đỉnh tháp.

Theo các nhà tu hành thì chai nước thơm đó có tác dụng diệt trừ ma tà, giúp dân làng có cuộc sống yên ấm, bình an (nàng Ăm giờ đã ở tuổi xưa nay hiếm và đang sống ở thị trấn Sông Mã). Chai nước thơm đó cũng chẳng tồn tại được lâu. Chắc bởi nghĩ chai nước đó có nhiều điều kỳ diệu, thần thánh nên chỉ mấy chục năm sau, người ta cũng táo tợn lấy đi. Không để tháp mất ngọn, đợt tu tạo trước, người ta lại gắn lên đó một chiếc chai mới. Tuy nhiên, lần này thì không ai muốn xâm phạm nữa bởi đó chỉ là vỏ chai... bia Tàu!

-------------

Kỳ 2: Hãi hùng chuyện thần giữ của

Đào Tuy - Phước Long


Theo www.baomoi.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét